Rất ít thành phố có thể giao thoa một cách hài hòa giữa vẻ đẹp mê hồn và thực cảnh như Istanbul. Một thành phố lớn và lộng lẫy luôn nằm trong bảng xếp hạng những vùng đất tuyệt diệu trên thế giới. Nơi đây có hàng loạt những nhà thờ, cung điện, chợ, bảo tàng đặc biệt nổi tiếng. Thành phố được tạo nên bởi những địa điểm mang vẻ đẹp của thiên nhiên vĩnh hằng không thể xóa nhòa như huyền thoại Bosphorus, vẻ đẹp huyền diệu từ biển đen tới khu vực vịnh Sừng Vàng và nồng ấm từ trái tim của thành phố cho tới bãi biển đầy nắng Marmara.
Phần khu vực nằm ở lãnh thổ Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ được ngăn tách bởi những dòng sông phía Tây lấy ranh giới là eo biển chật hẹp với lãnh thổ phía Châu Á nằm ở phía Đông, nhờ đó mà Istanbul trở thành thành phố duy nhất trên thế giới nối liền giữa 2 lục địa. Vào thế kỷ thứ 6 TCN thời Megara, Byzantium đã từng là một thuộc địa của Hy Lạp cổ, và sau một khoảng thời gian, Constantine đã chuyển địa điểm ngự trị của vua Roman tới đây. Trải qua một thiên niên kỷ, nửa đô thị vượt thời gian này là thủ đô của các đế chế. Với sự ra đời của Sultan Mehmet – nhà chinh phục vào năm 1453, Constantinople đã trở thành trụ sở của Đế chế Ottoman, trước khi lấy tên là Istanbul khi thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923.
Dưới thời ngự trị của các đế chế, nơi đây là sự hội tụ của các nền văn hóa và sự chung sống đa tôn giáo tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ở Istanbul, các truyền thống không chỉ đến từ Hồi giáo mà còn từ các tín ngưỡng Kitô giáo và Do Thái không mâu thuẫn mà nhẹ nhàng hòa quyện với bức tranh sống động của Thổ Nhĩ Kỳ đương đại.
1. Vùng biển Bosphorus và vịnh Sừng vàng
Viết về thành phố cuốn hút này, nơi có các di tích lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1985, nhà văn huyền thoại người Anh Jan Morris đã viết rằng “Trong tất cả các chuyến du lịch châu Âu, không có cảnh tượng nào hùng vĩ hơn khung cảnh Istanbul dạt dào sóng biển – sự kiên cố hóa của lịch sử, những ngôi nhà, bến tàu và cung điện dàn hàng dọc bờ biển, những mái vòm hùng vĩ và những ngọn tháp cao vút, tàu bè và phà tràn ngập khắp nơi, giao thông ầm ầm trên những cây cầu bắc nhịp tuyệt vời – một đô thị vượt thời gian, quen thuộc với du khách trong một ngàn năm.”
Golden Horn một cửa vào của dòng sông Bosphorus, chảy giữa trung tâm thương mại Karaköy và Sarayburnu, qua mũi đất Old Seraglio Point, nơi có Cung điện Topkapi, Quảng trường Sultanahmet và nhiều di tích lịch sử quan trọng. Đối diện Golden Horn và liền kề với Karaköy là quận Pera cũ được người Genoa và người Venice định cư vào thế kỷ 12. Địa điểm này cũng là nơi có Tháp Galata mang tính biểu tượng do người Genova xây dựng. Cung điện Dolmabahçe được trang trí công phu, trước đây là cung điện của vua và hiện là bảo tàng, nằm ở phía eo biển Bosphorus, trong một khu vực lịch sử có nhiều biệt thự trang nhã. Chuyến tham quan bằng thuyền dọc theo eo biển Bosphorus là một cách tuyệt vời để thưởng thức khung cảnh ngoạn mục này. Cầu Boğaziçi bắc qua eo biển Bosphorus trải dài hơn 5.000 feet là một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn khung cảnh thành phố và những địa danh nổi tiếng.
2. Cung điện Topkapi
Topkapi nằm tại khu vực chiến lược Seraglio, là một cung điện Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình được bắt đầu xây dựng từ đầu những năm 1460 bởi yêu cầu của vua Sultan Mehmed Đệ Nhị và nó cũng là nơi thi hành án của tòa án tối cao. Trong cung điện có một số phòng đặc trưng lưu giữ những sản phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử. Mgbaddes Emanetler Dairesi (Phòng Thánh tích) là nơi cất giữ Hırka-i Saadet (Áo choàng may mắn) và Sancak-ı Şerif (Biểu ngữ thánh) của Nhà tiên tri Muhammed trong những chiếc rương vàng. Ngoài ra cung điện còn trưng bày đồ trang sức của các Sultan, những thanh kiếm được tạo hình công phu, chiếc cốc được nạm đá quý, con dao Topkapi nạm ngọc lục bảo và cả một ngai vàng nạm 18.000 viên ngọc trai. Cung điện cũng từng là nơi ở của quân Janissary – đội quân Ottoman tinh nhuệ nhất và khoảng 400 phòng Hậu cung Hoàng gia nổi tiếng. Các khu vườn trong cung điện Topkapi có tầm nhìn “đắt giá” ra eo biển Bosphorus và biển Marmara bao la.
3. Hồ chứa nước Hagia Sophia và Basilica
Constantine vị Hoàng đế Thiên chúa giáo đầu tiên của Rome, đã ra lệnh xây dựng Saint Sophia vào năm 347 SCN như một nhà thờ hoàng gia. Công trình này được tạo nên bởi 50 tấn vàng, đá cẩm thạch nhiều màu và hơn 170 cây cột đem về từ các ngôi đền (bao gồm cả những ngôi đền ở Athens và Ephesus). Sau 16 năm mở cửa, nơi đây trải qua hai lần bị hỏa hoạn thiêu rụi. Năm 552, Justinian Đại đế tiến hành kiến thiết xây dựng lại. Trong suốt hơn một nghìn năm, đây là trung tâm của Cơ đốc giáo Chính thống Đông phương, trước khi Nhà chinh phục Mehmet cho xây dựng lại như một nhà thờ Hồi giáo vào năm 1453.
Năm 1935, Hagia Sophia đã được chuyển đổi một lần nữa, lần này thành một bảo tàng, và nhiều bức tranh khảm gốc của Byzantine (bức mô tả Đức Trinh Nữ Maria với Hài nhi Jesus cùng Constantine, Justinian đứng ở hai bên) đã được khôi phục một cách chân thực nhất. Basilica Cistern có kích thước tương tự như một nhà thờ là một mạng lưới bể chứa nước ngầm phức tạp được xây dựng bởi khoảng 7.000 nô lệ trong thời kỳ đầu La Mã để cung cấp nước cho Đại Cung điện (và sau này là Cung điện Topkapi). Những mái vòm uốn lượn đầy nghệ thuật và nhiều cột chống đem lại cho nơi đây một không gian tràn ngập ánh sáng tươi mới. Basilica Cistern nằm cách Hagia Sophia chưa đầy 500 feet về phía tây nam.
4. Quảng trường Sultanahmet và Nhà thờ Hồi Giáo xanh
Quảng trường là một ví dụ điển hình nhất về kiến trúc Byzantine và Ottoman, nơi đây hội tụ các công trình lịch sử nổi tiếng và đặc trưng nhất như Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmet và Nhà thờ Hồi giáo Xanh. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1616 và là nhà thờ Hồi giáo duy nhất trên thế giới có sáu ngọn tháp và có không dưới 138 cửa sổ. Bên trong toàn bộ được lát bằng những viên đá màu xanh tuyệt đẹp nên nhà thờ này được gọi tên là Nhà thờ Hồi giáo Xanh. Đây cũng là nơi đặt lăng mộ của người sáng lập Sultan Ahmed tôn kính. Đứng ở nhà thờ, đưa tầm mắt là bạn có thể nhìn thấy Obelisk of Theodosius và Cột Serpentine bằng đồng cổ nằm trên địa điểm Hippodrome, nơi từng là “rạp xiếc” thời xưa hoặc trung tâm thể thao của Constantinople. Arasta Çarşısı, hay Arasta Bazaar, nằm ngay phía sau nhà thờ Hồi giáo và là điểm dừng chân tuyệt vời để mua sắm những món đồ thủ công độc đáo mà tự tay người dân tạo ra.
5. Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye
Kiến trúc sư của Đế quốc Ottoman Mimar Sinan đã để lại dấu ấn của mình trên không gian của thành phố Istanbul bằng cách xây dựng hơn 300 công trình kiến trúc dưới thời trị vì của ba vị vua. Trong số đó có vị vua Suleiman the Magnificent, người đã yêu cầu xây dựng Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye vào năm 1550. Sinan hoàn thành công trình này bảy năm sau đó tạo ra một nhà thờ với mái vòm chính mang đặc trưng đậm nét của nhà thờ Hồi giáo cùng một số mái vòm nhỏ hơn và bốn ngọn tháp cao vút.
Nhà thờ Hồi giáo Süleymaniye trở thành một trong những địa điểm tôn giáo ấn tượng nhất ở Istanbul. Nằm trên ngọn đồi thứ ba của Istanbul, phía tây Quảng trường Sultanahmet với một khung cảnh đắc địa được bao bọc bởi thiên nhiên, nhà thờ này là một điểm để các tín đồ tôn giáo có thể ghé thăm trong cuộc hành hương tìm chân lý của mình.
6. Chợ lớn và khu chợ các loại hạt gia vị
Grand Bazaar, Kapalı Çarşı có từ năm 1461 và cùng với Spice Bazaar là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến thành phố Istanbul. Ban đầu, Sultan Mehmet the Conqueror đã thành lập khu chợ có mái che như một cách để tạo thu nhập bù vào khoản bảo trì Hagia Sophia và đây là nơi buôn bán quan trọng trong thời Ottoman. Ngày nay, bạn sẽ tìm thấy mọi thứ từ đồ cổ đến đồ trang sức, vàng cho đến những món quà lưu niệm giá cả phải chăng cùng những vật lưu niệm độc đáo tại hơn 3.000 cửa hàng riêng lẻ nơi đây.
Tương tự, Spice Bazaar (còn gọi là Mısır Çarşısı hoặc Chợ Ai Cập) được xây dựng vào năm 1660. Có gần 100 cửa hàng không chỉ bán gia vị, trái cây sấy khô và các loại hạt mà còn cả đồ trang sức, đồ lưu niệm và tất nhiên không thể thiếu những món ăn nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, các loại đồ ngọt truyền thống khác. Khu chợ là những bữa tiệc dành cho giác quan và là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của du khách khi đến Istanbul.
Bạn có thể dễ dàng lên cho mình một loạt các địa điểm phải đến ngay cả khi bạn chưa từng một lần ghé thăm trước đó bởi chỉ cần là Istanbul thì vô vàn điều tuyệt vời đang chờ đón bạn. Sự pha trộn đầy hài hòa giữa văn hóa Á – Âu, cán cân lịch sử, tôn giáo, sự độc đáo trong nghệ thuật, lối sống và ẩm thực của thành phố xinh đẹp này khiến bất kì một vị khách nào cũng cảm thấy đều ấn tượng khó quên.